Những điều cần biết về tai nghe game thủ - Gaming Headset
Các loại headset
Giống như tai nghe phục vụ cho mục đích chung như âm nhạc hoặc phim ảnh, những mẫu gaming headset có mặt trên thị trường hiện nay cũng được sản xuất với nhiều kiểu dáng đa dạng, từ Full size (SteelSeries 5H), Portable (Sennheiser PC230) đến nhỏ gọn như Earbud (Roccat Vire) hay In Ear/Canalphones (Razer Moray+).
Tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng, khả năng tài chính cũng như cảm giác cá nhân, game thủ có thể tùy chọn cho mình một mẫu headset vừa ý.
Noise Isolating
Về cơ bản, khi nói đến một chiếc tai nghe nói chung cũng như gaming headset nói riêng, thì khả năng lọc bỏ tiếng ồn (Noise Isolating) luôn là thứ được lưu tâm. Một chiếc tai nghe có khả năng cách âm tốt sẽ không chỉ nâng cao chất lượng âm thanh, mà còn giúp làm giảm âm lượng cần thiết khi sử dụng, thứ ảnh hưởng trực tiếp đến thính giác của người sử dụng.
Thông thường, một chiếc headset được cho là có khả năng cách âm tốt là khi người sử dụng đeo chiếc headset lên tai, hầu hết mọi tiếng ồn ở bên ngoài đều bị cách ly. Đối với những chiếc headset cỡ lớn (full size) hoặc In Ear, việc cách âm thường không phải là một vấn đề quá lớn khi phần loa với đệm mút và da úp trọn vành tai hoặc nằm kín bên trong lỗ tai nên hầu hết tiếng ồn bên ngoài đều được loại bỏ một cách triệt để. Trong khi đó, những mẫu tai nghe portable hay earbud thường kém hơn trong việc loại trừ tiếng ồn do bản thân kết cấu của thiết bị.
ANC
Tuy nhiên, vẫn tồn tại nhều trường hợp khi nguồn tiếng ồn có cường độ quá lớn, khiến cho những giải pháp loại bỏ tiếng ồn đơn giản nêu trên trở thành “vô dụng”. Đó là khi thành quả của nghiên cứu được đưa vào áp dụng.
Asus ROG Vulcan ANC, một trong những mẫu gaming headset
sở hữu công nghệ ANC.
ANC là chữ viết tắt cho cụm từ “Active Noise Cancelling” (Công nghệ loại bỏ tiếng ồn chủ động). Sử dụng micro tích hợp trên headset, chiếc tai nghe sẽ tạo ra dải tần giống hệt như nguồn tiếng ồn, nhưng với bước sóng lệch 180 độ so với nguồn âm gốc. Kết quả là người sử dụng sẽ hoàn toàn không nghe thấy bất cứ tiếng động nào bên ngoài chiếc tai nghe.
Surround Effect
Nếu như những chiếc tai nghe dành cho dân “sành nhạc” đều cố gắng tái tạo các dải âm của một bản nhạc để chúng đạt chất lượng cao nhất, thì gaming headset lại tập trung vào một mảng hoàn toàn khác: Mô phỏng chân thực nhất hiệu ứng âm thanh vòm, từ đó giúp gamer xác định vị trí nguồn âm.
Những mẫu gaming headset có trên thị trường hiện nay như SteelSeries Siberia V2, Roccat Kulo 7.1 hay Razer Megalodon đều được hỗ trợ hiệu ứng âm thanh vòm theo chuẩn của Dolby Lab một cách xuất sắc. Thậm chí, để tối ưu hóa khả năng tái tạo âm thanh vòm, những mẫu tai nghe đắt tiền như Tiamat 7.1 còn được thiết kế với nhiều loa bên trong, giúp người sử dụng cảm nhận chính xác nhất hiệu ứng mà những chiếc tai nghe đắt tiền này mang lại.
Bộ phận điều khiển tích hợp trên Razer Megalodon.
Sở dĩ có được điều này là do phần lớn các headset cao cấp của các ông lớn đều được đi kèm với soundcard kết nối USB của nhà sản xuất, giúp tín hiệu âm thanh được xử lý một cách cẩn thận trước khi được đưa vào headset. Bên cạnh đó, nếu dàn PC mà bạn sở hữu có một chiếc soundcard “đủ khỏe”, thì vấn đề “âm thanh vòm” trong khi chơi game cũng không phải là vấn đề đáng ngại.
SteelSeries Siberia USB Soundcard.
Trong khi đó, nếu nhu cầu chơi game của bạn không bao gồm việc đòi hỏi chất lượng âm thanh vòm xuất sắc thì bạn vẫn có thể chọn cho mình một chiếc headset ưng ý. Cụ thể, các hãng đều có những phiên bản stereo (2.1, 2.2) cũng như phiên bản surround (5.1, 7.1) của một dòng headset nhất định, ví dụ như Razer Chimaera.
Microphone
Một chiếc headset sẽ bị coi là “cọc cạch” khi nó thiếu hụt đi chức năng quan trọng thứ hai bên cạnh chức năng của một chiếc tai nghe: Microphone. Trong thế giới game, dần dà, nhu cầu đối thoại của các game thủ ngay trong khi chơi game, đặc biệt là các môn thi đấu esport đã trở thành một trong những nhu cầu thiết yếu.
Vui một chút, hồi các phòng máy LAN party vẫn còn là nơi ghé đến thường xuyên của các “tay chuột”, cách duy nhất và cũng là đơn giản nhất để các game thủ có thể đối thoại với nhau là… hét thật to để đồng đội có thể nghe thấy. Cách này đôi khi dẫn tới những tình huống dở khóc dở cười khi đối thủ có thể nghe thấy hết những “chiến thuật” mà phe bên này đã… “dày công” đúc kết!
Một chiếc headset sở hữu một microphone chất lượng cao sẽ giúp game thủ phối hợp với đồng đội thêm hiệu quả hơn rất nhiều so với lúc chơi “câm”.
Noise Cancelling hay Uni-Directional?
Một khi đã sử dụng microphone, thì chắc hẳn bạn cũng không muốn có những âm thanh rác hay tiếng ồn không đáng có lọt vào micro và truyền đến người cần gửi thông điệp. Nhận thấy đặc điểm đó, các nhà sản xuất thiết bị âm thanh cũng đã nghiên cứu và đưa vào những công nghệ loại bỏ tiếng ồn tiên tiến cho gaming headset.
Đầu tiên và cũng là phổ biến nhất, đó là công nghệ Noise Cancelling. Không giống như ANC được đề cập ở phần trên, Noise Cancelling chỉ đơn thuần là cách microphone “phớt lờ” những âm thanh có âm lượng nhỏ hơn một mức hạn định (mức hạn định này có thể được chỉnh sửa một cách thoải mái bới người sử dụng).
Trong khi đó, những microphone được trang bị công nghệ Uni-Directional lại chỉ nhận nguồn âm phát từ một hướng duy nhất. Và trong trường hợp này, nguồn âm đó dĩ nhiên chính là từ miệng của chúng ta, các game thủ.
Theo GenK